Bún riêu cua là món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, giờ trở thành món ăn đặc sản Việt Nam.
Đây là món ăn dân giã, thuộc loại món nước được nếu từ cua đồng tạo váng nổi trên mặt nước dùng.
Món này có thể dùng để ăn điểm tâm hoặc ăn vào các bữa ăn nồn phụ trong ngày rất thích hợp.
Bún riêu là món ăn tự cân bằng dinh dưỡng, là nguồn thức ăn bổ dưỡng và rẻ tiền, rất được ưa chuộng. Chính hương vị đặc trưng của bún riêu đã tạo cho món ăn có nét độc đáo riêng, khó trùng lắp với khẩu vị của món ăn các nước khác.
Mục Lục
I. NGUYÊN LIỆU NẤU MÓN BÚN RIÊU CUA
- 1kg cua đồng nhỏ
- 1/2kg cà chua
- 2 miếng đậu phụ rán
- Hành lá, ớt, chanh
- Vài củ hành khô
- Muối, bột ngọt
- Mắm tôm, nước mắm
- 1,5kg bún
- Me quả (hoặc quả dọc, giấm bỗng)
- Rau muống, bắp chuối, giá, húng quế
II. CÁCH THỰC HIỆN MÓN BÚN RIÊU CUA
1. Chuẩn bị:
- Cua: rửa sạch, bóc mai cua, loại bỏ phần miệng.
- Rửa sạch, để ráo nước, gỡ gạch cua để vào bát.
- Cho cua vào cối + muối, giã nhuyễn, sau đó cho vào xoong cùng 3 bát to nước, quấy đều, lọc lấy nước, bỏ bã cua.
- Cà chua: cắt miếng nhỏ.
- Cho hành vào chảo dầu, xào thơm, cho cà chua vào xào, nêm chút muối, nước mắm vừa ăn.
- Me: cho nước đun sôi, quấy đều, gạn lấy nước chua.
- Đậu phụ rán: cắt làm 4 đến 8 miếng.
- Rau muống: nhặt rửa sạch, lấy cọng chẻ sợi.
- Bắp chuối: thái mỏng theo chiều ngang, ngâm nước có pha giấm.
- Rau sống, giá đỗ, ngò: nhặt, rửa sạch.
2. Chế biến:
Bắc nồi nước cua lên bếp đun, đến khi sôi, cho cà đã xào vào. Tiếp tục đun đến khi thịt cua đóng màng nổi lên thì bớt lửa, cho nước me vào, nêm nước mắm, muối, bột ngọt cho vừa ăn (vị mặn xen lẫn chua ngọt đậm đà của thực phẩm).
Chảo dầu nóng, cho hành củ vào xào thơm, đổ gạch cua vào xào sền sệt, sau đó cho gạch cua lên trên thịt cua làm màu, thái hành lá, rải lên cho thơm.
Lưu ý:
Đun nhỏ lửa để nước cua không sôi bùng.
Không được quấy nát mảng thịt cua nổi trên nồi nước riêu.
3. Trình bày:
Cho bún vào tô, khi ăn múc nước riêu đổ vào, cho thịt cua lên trên cùng.
Ăn nóng với rau sống, kèm với mắm tôm (tùy theo khẩu vị từng người), chanh, ớt.