GIỎ HÀNG0 HOTLINE

Cách làm Chả Giò – Nem Rán

Chả Giò – Nem Rán là món ăn xuất xứ từ vùng đất Nam bộ Sài Gòn, giờ đã trở thành món đặc sản truyền thống của Việt Nam, có mặt ở cả 3 miền Nam, Trung, Bắc và đã được các nước bạn ưa chuộng do dễ thực hiện, dễ sử dụng, khẩu vị dễ thích nghi.

Món ăn này đã được người Việt miền Bắc gọi là nem rán để thay cho tên gọi dân giã “Chả giò” của vùng đất phương Nam. Dù có thay đổi tên gọi hoa mĩ như thế nào đi nữa thì từ chả giò cũng đã được dùng phổ biến đối với những người hâm mộ trên thế giới, họ thích gọi tên chính gốc hơn. Món này được dùng làm món ăn chơi trong các dịp lễ tiệc, liên hoan, chiêu đãi

Hiện món ăn này đã được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiểu dùng trong nước và xuất khẩu, dễ sử dụng, dễ bảo quản. Hương vị và hình thức của món ăn có thể thay đổi đa dạng theo nguyên liệu sử dụng để làm nhân: thịt, tôm, cua, khoai môn hoặc củ đậu (sắn) và nguyên liệu để làm vỏ bọc cuốn chả: bánh tráng (bánh of đa nem), bột rế, bột bò bía, ruột bánh mì cán mỏng để tạo thành lớp đời vỏ bọc cuốn chả giò.

Món này được sử dụng phương pháp chiên để làm chín. Đây là món ăn ngon, hợp khẩu vị, tiện lợi trong chế biến và sử dụng, rất phù hợp với nền văn hóa ẩm thực hiện đại.

Món chả giò là món ăn đặc sản độc đáo mang đầy bản sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

I. NGUYÊN LIỆU

  • 300g thịt nạc
  • 100g thịt cua
  • 100g tôm tươi (hoặc 50 g tôm khô bóc vỏ)
  • 200g khoai môn hoặc củ đậu (Củ sắn)
  • Tỏi ớt, chanh, giấm
  • Nước mắm ngon, dầu ăn
  • Su hào hoặc đu đủ
  • 1 Củ cà rốt
  • 5g miến (Bún Tàu)
  • 5g mộc nhĩ (nấm mèo)
  • 30g hành củ (củ sắn)
  • 30 bánh tráng
  • Muối, tiêu, đường, bột ngọt
  • Giá đỗ, ngò, rau xà lách, rau thơm

II. CÁCH LÀM CHẢ GIÒ (NEM RÁN)

1. Chuẩn bị:

  • Thịt: thái mỏng, bằm nhỏ
  • Tôm: lột vỏ, chẻ lưng, chà muối, rửa sạch, lau khô, giã nhuyễn.
  • Cua: xé nhỏ (có thể không sử dụng cua).
  • Khoai môn hoặc củ đậu: bóc vỏ, rửa sạch, xắt lát, thái sợi (có thể thay đổi tùy cách thực hiện của từng địa phương. Ví dụ ở miền Bắc thường dùng củ đậu thái sợi, xắt nhỏ để trộn với nhân)
  • Mộc nhĩ: ngâm rửa sạch, bằm nhỏ.
  • Hành: bằm nhỏ.
  • Rau thơm, rau xà lách, giá đỗ, ngò: lặt, rửa sạch, ngâm rau trong nước muối hoặc thuốc tím độ 15 phút, vớt ra xả sạch.
  • Su hào (hoặc đu đủ), cà rốt: xắt miếng hoặc thái sợi, bóp muối, rửa sạch, vắt ráo, cho đường vào trộn độ 5 phút cho có độ giòn, sau đó ngâm giấm độ 2 giờ trước khi ăn.
  • Bánh tráng: xếp vào lá chuối tươi, bảo quản trong bao nylon, buộc kín độ 1 đêm cho bánh không bị khô. Cắt làm 2, làm 4 hay để nguyên tùy cuốn to, nhỏ.
  • Nước thoa bánh tráng: sử dụng nước giấm + cà phê, hoặc nước vôi ăn trầu để lắng trong (để giữ độ giòn).
  • Làm nước chấm: dùng nước sôi (hoặc nước dừa tươi đun sôi) + đường + chanh (hoặc giấm) hòa tan, nêm hơi chua ngọt. Chế nước mắm vào từ từ, nêm vừa miệng. Tỏi + ớt bằm nhuyễn cho vào sau (để không bị chìm).

2. Chế biến:

– Trộn nhân: trộn các nguyên liệu: thịt nạc + tôm, cua + trứng + khoai môn hoặc củ đậu + miến + mộc nhĩ + hành + tiêu, muối + chút đường + chút bột ngọt + nước mắm ngon nên vừa ăn.

– Cuốn nem: trải bánh tráng lên mâm, cho nhân vào, gấp mép 2 bên lại, sau đó cuốn tròn.

– Rán nem: Chảo dầu hơi nóng già, cho những cuốn nem vào từ từ, mép gấp mí xuống dưới rán trước.

Rán lửa vừa để cuốn nem vàng từ từ và giòn lâu.

Lưu ý: Không nên để sôi nhiều, khi thả cuốn nem vào, bánh tráng sẽ bị nổi phồng từng hột, khi rán xong, cuốn nem không được mướt, có thể rán trước cho vừa vàng (vàng non), trước khi ăn, rán lại lần nữa cho vàng đều, cuốn nem sẽ giòn lâu hơn.

3. Trình bày:

– Xếp nem vào dĩa (nếu cuốn nem to, dài, có thể cắt làm đôi).

– Dọn kèm rau xà lách, giá đỗ + nước mắm chanh, tỏi, ớt pha loãng + đồ chua. Món này có thể ăn thêm bún (để ăn no).